Sáng 21-12, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2022 theo hình thức trực tuyến tại 63 tỉnh, TP.
Hội nghị có sự tham dự của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng thường trực Phạm Bình Minh, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long tại điểm cầu Hà Nội cùng lãnh đạo các ban, bộ, ngành trung ương và lãnh đạo các cơ quan trong Bộ Tư pháp, lãnh đạo các địa phương tại các điểm cầu.
Chất lượng quy định pháp luật tăng sáu bậc
Theo báo cáo Tổng kết công tác tư pháp năm 2021, các bộ, ngành tư pháp đã tham mưu Chính phủ trình Quốc hội thông qua bảy luật, nghị quyết và cho ý kiến với năm dự án luật khác, đang gấp rút chuẩn bị bốn nội dung trình Quốc hội khóa XV tại kỳ họp bất thường; trình Chính phủ, Thủ tướng ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền 784 văn bản quy phạm pháp luật. Các địa phương đã ban hành 5.510 văn bản quy phạm pháp luật cấp tỉnh, cấp huyện.
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2022. Ảnh: TTXVN
Bộ Tư pháp đã thẩm định 43 đề nghị xây dựng, 232 dự thảo; tổ chức pháp chế các bộ, cơ quan ngang bộ thẩm định 634 dự thảo, các sở Tư pháp thẩm định 4.904 dự thảo và 1.879 dự thảo do các phòng tư pháp thẩm định.
Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử triển khai tại 63 tỉnh, thành đã ghi nhận có hơn 21,2 triệu dữ liệu khai sinh với hơn 6,4 triệu dữ liệu hộ tịch điện tử được chia sẻ cho cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, hơn 2,7 triệu thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới sáu tuổi được cấp thông qua liên thông thủ tục hành chính điện tử, hơn 4,2 triệu dữ liệu kết hôn, hơn 3 triệu dữ liệu khai tử, hơn 5,6 triệu hồ sơ đăng ký các sự kiện hộ tịch khác.
Chỉ số cải cách hành chính của Bộ Tư pháp tiếp tục thuộc nhóm 3 trong các cơ quan dẫn đầu. Đáng chú ý, chỉ số cải thiện chất lượng các quy định pháp luật Việt Nam tăng sáu bậc.
Trong năm 2021, ngành tư pháp toàn quốc đã ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong hoạt động, nhận, giải quyết và trả kết quả các thủ tục tư pháp cho người dân.
Sáu nhiệm vụ trọng tâm năm 2022
Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá những nỗ lực, cố gắng của toàn ngành tư pháp và cơ quan tư pháp địa phương đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Thủ tướng cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế, đồng thời phân tích nguyên nhân của những thành tựu.
Thủ tướng yêu cầu toàn ngành tư pháp tập trung nguồn lực thực hiện sáu nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2022. Trong đó, Thủ tướng nhấn mạnh nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác xây dựng và thực thi pháp luật; bám sát đường lối, chủ trương của Đảng, tình hình thực tiễn để nhanh chóng thể chế hóa, cụ thể hóa pháp luật, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nút thắt về thể chế.
“Môi trường pháp lý phải được nâng cao chất lượng, đáp ứng những đòi hỏi ngày càng cao của người dân, doanh nghiệp” - Thủ tướng nhấn mạnh.
Đồng thời, Thủ tướng yêu cầu bộ, ngành tư pháp phải đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và đội ngũ đảng viên trong toàn hệ thống.
Năm 2022, ngành tư pháp các địa phương cần đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực phục vụ người dân; tăng cường phân cấp phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm, đi đôi với phân bổ nguồn lực hợp lý, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Thủ tướng cũng yêu cầu đầu tư hơn nữa cho công tác xây dựng thể chế, coi đây là đầu tư cho sự phát triển; chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, tài chính, chế độ chính sách tương xứng, hài hòa, hợp lý với các ngành khác; chủ động phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm ngay từ khi xây dựng thể chế.
Ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, nêu đề xuất cho công tác tư pháp năm 2022.