Hãng Luật La Défense Việt Nam
Tel: (84-24) 8888 1118 | Email: office@ladefense.vn


CẢNH DINH - Ngày 16/7, TANDTC phối hợp cùng UNDP và Liên minh Châu Âu tổ chức Hội thảo lấy ý kiến đối với 11 dự thảo án lệ nhằm bảo đảm chất lượng của các án lệ. PGS.TS. Nguyễn Hoà Bình, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TANDTC chủ trì Hội thảo.

Đồng chủ trì và điều hành Hội thảo có TS. Nguyễn Trí Tuệ, Phó Chánh án TANDTC.

Tham dự hội thảo còn có bà Caitlin Wiesen, Trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam; Ông Jesus Lavina, Phó Ban hợp tác phát triển, phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam; Ông Edagawa Mitsushi  Chuyên gia dài hạn tổ chức JICA Việt Nam; ông Kim Tea Joon, Thẩm phán –Giám đốc Dự án KOICA tại Việt Nam;

Cùng dự còn có các chuyên gia, các nhà khoa học của TANDTC và đại diện Bộ Công an, Bộ Tư pháp, VKSNDTC.

Phát biểu khai mạc, PGS.TS. Nguyễn Hoà Bình, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TANDTC cho biết trong những năm qua TANDTC đặc biệt quan tâm đến công tác lựa chọn, công bố án lệ để các Tòa án nghiên cứu, áp dụng trong xét xử. Kể từ Nghị quyết số 03/2015/NQ-HĐTP ngày 28/10/2015 về quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ đến nay, TANDTC đã công bố được 43 án lệ, trong đó có 07 án lệ về hình sự, 23 án lệ về dân sự, 8 án lệ về kinh doanh, thương mại, 1 án lệ về lao động, 02 án lệ về tố tụng dân sự, 2 án lệ về tố tụng hành chính.

PGS.TS. Nguyễn Hoà Bình, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TANDTC phát biểu tại Hội thảo

Quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ cũng được nghiên cứu, đổi mới, thể hiện qua việc Hội đồng Thẩm phán TANDTC ban hành Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐTP ngày 18/6/2019 thay thế Nghị quyết số 03/2015/NQ-HĐTP, trong đó bổ sung quy trình thông qua án lệ theo thủ tục rút gọn, đơn giản hóa quy trình rà soát, phát hiện bản án, quyết định là nguồn án lệ, nhằm hướng tới mục tiêu ban hành được nhiều án lệ có chất lượng hơn nữa, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn xét xử. Sau khi ban hành Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐTP, Hội đồng Thẩm phán TANDTC đã thông qua 05 án lệ theo thủ tục rút gọn. Dự kiến trong thời gian sắp tới đây, Hội đồng Thẩm phán sẽ tiến hành phiên họp thông qua một số án lệ được Thẩm phán TANDTC đề xuất và được Hội đồng Thẩm phán TANDTC lựa chọn khi xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm.

Phát biểu tại Hội thảo, bà Caitlin Wiesen, Trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam cho biết chương trình phát triển Liên hợp quốc hoan nghênh​​ những nỗ lực đáng khâm phục của TANDTC trong việc hướng dẫn quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ trong những năm qua. Hiện có tổng cộng 43 án lệ đã được công bố trên trang web của TANDTC là kết quả của nỗ lực này. UNDP tự hào đã đồng hành cùng TANDTC trong việc xây dựng và áp dụng các án lệ giúp làm rõ các vấn đề pháp lý khó và tạo cơ sở để áp dụng thống nhất pháp luật trong các trường hợp tương tự. "Với gần 700.000 bản án đã được công bố trực tuyến, sự tham gia của công chúng trong quá trình này là rất quan trọng và tôi rất vui khi thấy rất nhiều thẩm phán, luật sư và chuyên gia pháp lý trên khắp Việt Nam tham gia hội thảo tham vấn hôm nay – có ý nghĩa rất quan trọng trong việc cải thiện hệ thống án lệ tư pháp" - bà Caitlin Wiesen nói.

Bà Caitlin Wiesen, Trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam phát biểu tại Hội thảo

Trên cơ sở kết quả nghiên cứu và tiếp nhận các để xuất án lệ, Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học TANDTC đã xây dựng 11 Dự thảo án lệ để đưa ra xin ý kiến các Tòa án, chuyên gia, nhà khoa học, cụ thể như sau:

1. Dự thảo án lệ số 01 về tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự “nộp lại tiền thu lợi bất chính” (Quyết định giám đốc thẩm số 03/2020/HS-GĐT ngày 22/4/2020 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao về vụ án “Đánh bạc” và “Tổ chức đánh bạc” đối với bị cáo Hồ Công Nhật Q, Hồ Viết H, Nguyễn Mộng V)

Trong Dự thảo án lệ này, tình huống pháp lý là: Bị can, bị cáo nộp lại tiền thu lợi bất chính từ hành vi phạm tội.

Giải pháp pháp lý là: Trường hợp này, phải xác định bị cáo được hưởng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự theo khoản 2 Điều 46 BLHS năm 1999 (tương ứng với khoản 2 Điều 51 BLHS năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017).

2. Dự thảo án lệ số 02 về xác định quyết định hành chính ban hành không đúng thẩm quyền (Quyết định giám đốc thẩm số 06/2019/HC-GĐT ngày 02/4/2019 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao về vụ án “Khiếu kiện quyết định hành chính trong lĩnh vực quản lý đất đai” giữa người khởi kiện là ông Thái Văn N với người bị kiện là Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đ)

Trong Dự thảo án lệ này, tình huống pháp lý là: Chủ tịch UBND ban hành quyết định hành chính giải quyết tranh chấp đất đai mà tranh chấp đó liên quan đến hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất.

Giải pháp pháp lý là: Trường hợp này, phải xác định tranh chấp hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án; Chủ tịch UBND ban hành quyết định hành chính giải quyết tranh chấp đất đai là không đúng thẩm quyền.

3. Dự thảo án lệ số 03 về quyền khởi kiện vụ án đòi lại tài sản của người được giao tài sản theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật (Quyết định giám đốc thẩm số 481/2012/DS-GĐT ngày 25/9/2012 của Tòa Dân sự TANDTC về vụ án “Tranh chấp đòi lại tài sản” tại tỉnh Thừa Thiên Huế giữa nguyên đơn là ông Nguyễn Văn N với bị đơn là bà Nguyễn Thị T)

Trong Dự thảo án lệ này, tình huống pháp lý là: Tòa án đã có bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật giải quyết việc phân chia tài sản nhưng bản án, quyết định này chưa được thi hành do người được thi hành án không yêu cầu thi hành án và chưa nhận tài sản trên thực tế. Khi hết thời hiệu yêu cầu thi hành án, người được Tòa án giao tài sản mới có tranh chấp đòi lại tài sản được giao theo bản án, quyết định nêu trên.

Giải pháp pháp lý là: Trường hợp này, phải xác định người đã được Tòa án giao tài sản theo bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật có quyền khởi kiện đòi lại tài sản.

4. Dự thảo án lệ số 04 về quyền được ưu tiên thanh toán của người trả nợ thay bên vay để giải chấp tài sản sau khi xử lý tài sản đó (Bản án phúc thẩm số 28/2018/DS-PT ngày 31/01/2018 về vụ án “Tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và yêu cầu hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất” tại tỉnh Đắk Lắk giữa nguyên đơn là bà Hoàng Thị V, bà Phạm Thị Hồng T với bị đơn là ông Trần Đức T1 và bà Bùi Thị Kim H)

Trong Dự thảo án lệ này, tình huống pháp lý là: Cá nhân dùng tiền của mình để trả nợ ngân hàng thay bên vay để giải chấp tài sản là quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất mà bên vay đã thế chấp cho ngân hàng, đồng thời nhận chuyển nhượng nhà đất đó. Hợp đồng chuyển nhượng không được công nhận.

Giải pháp pháp lý là: Trường hợp này, phải xác định người trả nợ thay được quyền ưu tiên thanh toán trong phạm vi khoản tiền đã trả nợ thay bên vay khi xử lý tài sản đó.

5. Dự thảo án lệ số 05 về trường hợp sau khi xử lý tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất mà có tranh chấp về tài sản (Bản án phúc thẩm số 221/2019/DS-PT ngày 31/7/2019 của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội về vụ án “Tranh chấp hợp đồng tín dụng” giữa nguyên đơn là Ngân hàng thương mại cổ phần T với bị đơn là anh Lê Hồng P, chị Phạm Thị Hồng L)

Trong Dự thảo án lệ này, tình huống pháp lý là: Quyền sử dụng đất đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bên thế chấp, được dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ trả nợ, thủ tục thế chấp đúng quy định của pháp luật nhưng trong quá trình giải quyết tranh chấp hợp đồng vay tài sản/hợp đồng tín dụng và hợp đồng thế chấp, có đương sự cho rằng tài sản thế chấp là di sản thừa kế chưa chia và cho rằng việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bên thế chấp không đúng quy định của pháp luật nhưng không đương sự nào có tranh chấp về tài sản.

Giải pháp pháp lý là: Trường hợp này, phải xác định hợp đồng thế chấp có hiệu lực pháp luật; nếu sau này có tranh chấp về tài sản đó thì các đương sự có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết bằng vụ án dân sự khác để bảo đảm quyền, lợi ích của mình bằng giá trị tài sản.

6. Dự thảo án lệ số 06 về xác định quyền sở hữu đối với khu vực để xe ô tô của nhà chung cư (Bản án phúc thẩm số 82/2020/DS-PT ngày 06, 23/3/2020 của TAND Tp Hà Nội về vụ án “Yêu cầu tuyên bố hợp đồng dịch vụ vô hiệu, yêu cầu công nhận quyền sở hữu tầng hầm” giữa nguyên đơn là Công ty cổ phần đầu tư Xây dựng và phát triển đô thị S với bị đơn là Ban Quản trị tòa nhà hỗn hợp H)

Trong Dự thảo án lệ này, tình huống pháp lý là: Khu vực để xe ô tô của chung cư được xây dựng theo quy chuẩn và không được phân bổ vào giá bán căn hộ trong hợp đồng mua bán căn hộ chung cư.

Giải pháp pháp lý là: Trường hợp này, phải xác định diện tích khu để xe ô tô thuộc quyền sở hữu riêng của chủ đầu tư.

7. Dự thảo án lệ số 07 về hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất là tài sản chung của hộ gia đình có hiệu lực một phần (Quyết định giám đốc thẩm số 22/2020/DS-GĐT ngày 23/4/2020 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC về vụ án “Tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất” giữa nguyên đơn là anh Vũ Ngọc K, anh Vũ Ngọc T, chị Vũ Thị Tường V với bị đơn là ông Trần Thiết H, bà Đào Thị M)

Trong Dự thảo án lệ này, tình huống pháp lý là: Quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất là tài sản chung của hộ gia đình nhưng có thành viên có đủ năng lực hành vi dân sự trong hộ gia đình không tham gia giao kết và không đồng ý với việc xác lập, thực hiện hợp đồng chuyển nhượng.

Giải pháp pháp lý là: Trường hợp này, phải xác định hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất nếu đúng quy định của pháp luật thì có hiệu lực đối với phần của thành viên hộ gia đình đã tham gia giao kết hợp đồng, vô hiệu đối với phần của thành viên không tham gia giao kết và không đồng ý với việc xác lập, thực hiện hợp đồng.

8. Dự thảo án lệ số 08 về định đoạt quyền sử dụng đất trong diện quy hoạch (Quyết định giám đốc thẩm số 82/2020/DS-GĐT ngày 22/5/2020 của TANDCC tại Tp Hồ Chí Minh về vụ án “Yêu cầu hủy hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất” giữa nguyên đơn là ông Nguyễn Dương Thái S với bị đơn là bà Phan Thị Tuyết N)

Trong Dự thảo án lệ này, tình huống pháp lý là: Quyền sử dụng đất được chuyển nhượng nằm trong diện quy hoạch, chưa có quyết định thu hồi, đền bù.

Giải pháp pháp lý là: Trường hợp này, phải xác định người có quyền sử dụng đất hợp pháp vẫn có quyền chuyển nhượng quyền sử dụng đất đó và người nhận chuyển nhượng sẽ được thế quyền và nghĩa vụ của người chuyển nhượng khi đất bị thu hồi, đền bù theo quy định của pháp luật.

9. Dự thảo án lệ số 09 về trường hợp chuyển nhượng quyền sử dụng đất không đủ điều kiện tách thửa (Quyết định giám đốc thẩm số 133/2020/DS-GĐT ngày 08/7/2020 của TANDCC tại Tp Hồ Chí Minh về vụ án “Tranh chấp về đòi lại tài sản là quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà” giữa nguyên đơn là bà Nguyễn Thị O với bị đơn là ông Đặng Thanh N)

Trong Dự thảo án lệ này, tình huống pháp lý là: Hợp đồng đặt cọc để bảo đảm việc giao kết hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất đối với phần diện tích đất không đủ điều kiện để tách thửa nhưng đủ điều kiện để chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Sau đó, bên nhận đặt cọc không thực hiện việc giao kết hợp đồng chuyển nhượng.

Giải pháp pháp lý là: Trường hợp này, phải xác định diện tích đất không đủ điều kiện để tách thửa không phải là nguyên nhân dẫn đến việc hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất không giao kết được.

10. Dự thảo án lệ số 10 về hiệu lực của hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất vi phạm điều kiện về hình thức (Quyết định giám đốc thẩm số 171/2020/DS-GĐT ngày 24/7/2020 của TANDCC tại Tp Hồ Chí Minh về vụ án “Tranh chấp quyền sử dụng đất” giữa nguyên đơn là ông Phan Q, Bà Lê Thị Bích T với bị đơn là ông Lê Văn D, ông Lê Sĩ T1, ông Khâu Văn S)

Trong Dự thảo án lệ này, tình huống pháp lý là: Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất được xác lập trước ngày 01/01/2017 (ngày Bộ luật Dân sự năm 2015 có hiệu lực), chưa được công chứng, chứng thực theo quy định của pháp luật nhưng bên nhận chuyển nhượng đã nhận đất, thanh toán tiền cho bên chuyển nhượng.

Giải pháp pháp lý là: Trường hợp này, phải xác định hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất có hiệu lực pháp luật do một bên đã thực hiện ít nhất hai phần ba nghĩa vụ của mình.

11. Dự thảo án lệ số 11 về hiệu lực của hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất khi chưa đăng ký quyền sở hữu (Quyết định giám đốc thẩm số 231/2020/DS-GĐT ngày 30/9/2020 của TANDCC tại Tp Hồ Chí Minh về vụ án “Tranh chấp về thừa kế tài sản; tranh chấp về yêu cầu tuyên hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất vô hiệu” giữa nguyên đơn là bà Tống Thị U với bị đơn là ông Tống Thanh V)

Trong Dự thảo án lệ này, tình huống pháp lý là: Hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất được lập thành văn bản đã được công chứng, chứng thực; bên được tặng cho chưa đăng ký quyền sở hữu do trở ngại khách quan thì bên tặng cho tài sản chết.

Giải pháp pháp lý là: Trường hợp này, phải xác định hợp đồng tặng cho có hiệu lực pháp luật.

Tại hội thảo các chuyên gia đã đóng góp nhiều ý kiến quan trọng về các dự thảo án lệ. Đa số các tham luận nhất trí cao với các dự thảo, và đánh giá các án lệ được lựa chọn có chất lượng tốt. Nội dung các Án lệ là những vấn đề thiết thực với đời sống, đáp ứng hầu hết các tiêu chí mà yêu cầu của xã hội đặt ra. Đồng thời các tham luận cũng chỉ ra những bất cập, những tình huống pháp lý cần phải cân nhắc trong các vụ án.

Nguyên Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Sơn trong phần phát biểu của mình đã đồng ý với một số án lệ trong dự thảo, với những dự thảo ánn lệ còn lại, nguyên Phó Chánh án đã chỉ ra những vấn đề thực tiễn, những điểm chưa phù hợp trong giải pháp pháp lý, cần phải cân nhắc khi lựa chọn.

Nguyên Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Thúy Hiền cũng đồng tình, nhất trí với nhiều ý kiến các chuyên gia đóng góp. Đặc biệt là Án lệ hình sự 01. Từ kinh nghiệm của các nước trên thế giới cho thấy họ đặc biệt chú ý đến việc thu hồi tài sản từ những vụ án kinh tế, tham nhũng lớn nhằm đem lại lợi ích kinh tế cho xã hội. Bằng kinh nghiêm thực tế xét xử của mình, nguyên Phó Chánh án đã đóng góp nhiều ý kiến quan trọng qua những phân tích về tình huống thực tiễn.

Chuyên gia dự án Koica Nhật Bản tại Việt Nam cũng đóng góp ý kiến vào các dự thảo Án lệ. Theo đó, có 9 Án lệ được chuyên gia có ý kiến đóng góp. Chuyên gia Nhật Bản cũng khẳng định thời gian tới, mong muốn được đồng hành hợp tác hỗ trợ TANDTC Việt Nam trong việc ban hành các Án lệ.

Hội thảo cũng đã nghe ý kiến đóng góp của PGS.TS Phạm Duy Nghĩa, Giám đốc Chương trình Thạc sỹ hành chính sách công, Đại học Fulbright Việt Nam; ThS Nguyễn Hồng Hải, Phó Cục trưởng, Cục đăng ký quốc gia về giao dịch bảo đảm, Bộ Tư pháp; ThS Nguyễn Xuân Tĩnh, Chánh án TAND cấp cao tại Hà Nội.

Phát biểu kết luận Hội thảo, Chánh án Nguyễn Hoà Bình đánh giá cao các ý kiến tham luận, trao đổi, góp ý hết sức thẳng thắn, cụ thể và sâu sắc, đóng góp quý báu cho TANDTC trong quá trình lựa chọn, thông qua án lệ. Trên cơ sở ý kiến góp ý của các đại biểu tại Hội thảo này, Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học cần khẩn trương nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý các dự thảo án lệ để sớm đưa ra xin ý kiến Hội đồng tư vấn án lệ. 

ĐĂNG KÝ TƯ VẤN

Chúng tôi sẽ liên hệ sau ít phút, xin cảm ơn!

XEM THÊM

HÀ NỘI

LK01-15 Roman Plaza, Tố Hữu, Nam Từ Liêm
Tel: (84-24)-8888-1118
Email: Office@ladefense.vn

 

CHÚNG TÔI TRÊN FACEBOOK


 
Bản quyền nội dung của Hãng Luật La Défense Việt Nam ®. Nghiêm cấm mọi hành vi sao chép, tái bản, sử dụng thông tin, tư liệu trong Website mà không có sự đồng ý bằng văn bản.