1. Khái niệm
Theo Khoản 1 Điều 134 Luật dân sự 2015 quy định Đại diện là việc cá nhân, pháp nhân nhân danh và vì lợi ích của cá nhân hoặc pháp nhân khác xác lập, thực hiện giao dịch dân sự.
Điều lệ công ty bao gồm Điều lệ khi đăng ký doanh nghiệp và Điều lệ được sửa đổi, bổ sung trong quá trình hoạt động được quy định tại Khoản 1 Điều 24 Luật doanh nghiệp 2020.
Tại Điểm d Khoản 2 Điều này, Điều lệ công ty quy định về quyền và nghĩa vụ của thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh; của cổ đông đối với công ty cổ phần.
2. Người đại diện không có thẩm quyền ký theo điều lệ thì hợp đồng có bị vô hiệu hay không?
Trường hợp 1:
Theo Điểm a Khoản 1 Điều 67 Luật doanh nghiệp 2020 quy định rằng:
Hợp đồng, giao dịch giữa công ty với đối tượng sau đây phải được Hội đồng thành viên chấp thuận:
a) Thành viên, người đại diện theo ủy quyền của thành viên, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc, người đại diện theo pháp luật của công ty;
b) Người có liên quan của người quy định tại điểm a khoản này;
c) Người quản lý công ty mẹ, người có thẩm quyền bổ nhiệm người quản lý công ty mẹ;
d) Người có liên quan của người quy định tại điểm c khoản này.
Vì vậy, Người đại diện theo ủy quyền của thành viên, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc, người đại diện theo pháp luật của công ty phải có sự chấp thuận của Hội đồng thành viên trước ký kết hợp đồng. Nếu người đại diện không có thẩm quyền ký theo điều lệ nhưng đã thông báo và có sự chấp thuận của Hội đồng thành viên thì hợp đồng đó có hiệu lực theo pháp luật.
Trường hợp 2:
Nếu người được đại diện đã công nhận giao dịch; biết mà không phản đối trong thời hạn hợp lý; có lỗi dẫn đến việc người đã giao dịch không biết hoặc không thể biết về việc người đã xác lập, thực hiện giao dịch dân sự với mình không có quyền đại diện thì hợp đồng đó có hiệu lực theo Khoản 1 Điều 142 Luật dân sự 2015 quy định:
Giao dịch dân sự do người không có quyền đại diện xác lập, thực hiện không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ đối với người được đại diện, trừ một trong các trường hợp sau đây:
a) Người được đại diện đã công nhận giao dịch;
b) Người được đại diện biết mà không phản đối trong một thời hạn hợp lý;
c) Người được đại diện có lỗi dẫn đến việc người đã giao dịch không biết hoặc không thể biết về việc người đã xác lập, thực hiện giao dịch dân sự với mình không có quyền đại diện.
Trường hợp 3:
Tại Khoản 2 Điều 142 Bộ luật dân sự 2015 quy định:
Trường hợp giao dịch dân sự do người không có quyền đại diện xác lập, thực hiện không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ đối với người được đại diện thì người không có quyền đại diện vẫn phải thực hiện nghĩa vụ đối với người đã giao dịch với mình, trừ trường hợp người đã giao dịch biết hoặc phải biết về việc không có quyền đại diện mà vẫn giao dịch.