Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng
Sáng 15/8, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, UBTVQH khai mạc phiên họp chuyên đề pháp luật, trong đó cử tri rất quan tâm đên Dự án Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng.Dự phiên họp có các Phó Chủ tịch Quốc hội, các Ủy viên UBTVQH, đại diện thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, các Ban thuộc UBTVQH. Về phía khách mời có Ủy viên Bộ Chính trị, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình, đại diện lãnh đạo Bộ Công an, VKSNDTC, Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Ban Nội chính Trung ương, Bộ Quốc phòng...
Tạo hành lang pháp lý đầy đủ
Trình bày Tờ trình Dự án Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng, Phó Chánh án Thường trực TANDTC Nguyễn Trí Tuệ cho biết, Luật Xử lý vi phạm hành chính số 15/2012/QH13 quy định tại khoản 3 Điều 4 “Căn cứ quy định của Luật này, UBTVQH quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động kiểm toán nhà nước và đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng”. Như vậy Quốc hội đã giao UBTVQH nhiệm vụ ban hành quy định về xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng.
Bên cạnh đó, thực tiễn xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động tố tụng cho thấy, các hành vi cản trở hoạt động tố tụng xảy ra ngày càng nhiều, có xu hướng gia tăng, gây khó khăn cho việc giải quyết vụ việc, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng giải quyết vụ việc của cơ quan, người có thẩm quyền, tính tôn nghiêm và quyền uy của tư pháp. Trong khi đó, pháp luật nước ta chưa có văn bản quy định có hệ thống về việc xử phạt các hành vi cản trở hoạt động tố tụng mà chỉ có một số quy định chung, chưa cụ thể, chưa rõ ràng về xử lý hành vi cản trở hoạt động tố tụng nằm rải rác trong BLTTHS, BLTTDS, Luật Tố tụng hành chính. Các loại hành vi, hình thức xử phạt, thẩm quyền, trình tự, thủ tục xử phạt hành vi cản trở hoạt động tố tụng chưa được quy định cụ thể, dẫn đến việc xử phạt hành vi vi phạm gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.
Việc ban hành một văn bản pháp luật thống nhất và chi tiết, tạo cơ sở pháp lý để xử lý nghiêm minh những hành vi cản trở hoạt động tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền; tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong tố tụng và ý thức chấp hành pháp luật, phòng ngừa những vi phạm có thể xảy ra; nâng cao uy tín của cơ quan nhà nước, bảo đảm sự tôn nghiêm của Tòa án, bảo đảm sự tôn trọng của cá nhân, cơ quan, tổ chức đối với cơ quan tiến hành tố tụng; tạo điều kiện giải quyết các vụ việc nhanh chóng, hiệu quả, đúng pháp luật. Với những lý do trên, việc ban hành Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng là cần thiết.
Toàn cảnh phiên họp
Việc xây dựng Pháp lệnh nhằm quy định thống nhất về xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng, tạo hành lang pháp lý đầy đủ cho việc xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng. Xử phạt nghiêm minh những hành vi cản trở hoạt động tố tụng; tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong tố tụng, giáo dục mọi người chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật, phòng ngừa những vi phạm có thể xảy ra; bảo đảm quyền uy tư pháp, giữ gìn sự tôn nghiêm của Tòa án, sự tôn trọng của cá nhân, cơ quan, tổ chức đối với các cơ quan tiến hành tố tụng; tạo điều kiện giải quyết các vụ việc nhanh chóng, hiệu quả, đúng pháp luật.
Đối với một số nội dung lớn của dự thảo Pháp lệnh, Phó Chánh án Thường trực TANDTC nêu rõ, về phạm vi điều chỉnh của Pháp lệnh, Điều 1 dự thảo Pháp lệnh quy định: “Pháp lệnh này quy định về hành vi cản trở hoạt động tố tụng bị xử phạt vi phạm hành chính; hình thức, mức xử phạt; biện pháp khắc phục hậu quả; biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính; thẩm quyền, thủ tục xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng”.
“Hoạt động tố tụng” theo Pháp lệnh này được hiểu “là hoạt động giải quyết các vụ án, vụ việc của cơ quan, người có thẩm quyền theo quy định của BLTTHS, BLTTDS, Luật Tố tụng hành chính, Pháp lệnh Trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại TAND, Pháp lệnh Trình tự, thủ tục TAND xem xét, quyết định việc đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc và pháp luật về trình tự, thủ tục bắt giữ tàu bay, tàu biển” (khoản 1 Điều 2 dự thảo Pháp lệnh).
Một số quy định cụ thể
Dự thảo Pháp lệnh quy định tổ chức có cùng hành vi vi phạm như cá nhân thì phải chịu mức phạt tiền gấp hai lần mức phạt tiền đối với cá nhân. Mức phạt tiền tối đa đối với mỗi hành vi cản trở hoạt động tố tụng của cá nhân đến 40 triệu đồng, với tổ chức đến 80 triệu đồng.
Phó Chánh án Thường trực TANDTC Nguyễn Trí Tuệ trình bày Tờ trình tại phiên họp
Đáng chú ý, dự thảo nêu rõ nhà báo có thể bị phạt tiền từ 500.000 - 1 triệu đồng đối với một trong các hành vi như không thực hiện yêu cầu của Tòa án về việc xuất trình thẻ nhà báo và giấy giới thiệu công tác khi tham dự phiên tòa để đưa tin về diễn biến phiên tòa, không chấp hành sự điều khiển của chủ tọa phiên tòa về khu vực tác nghiệp.
Nhà báo cũng có thể bị phạt tiền từ 7 - 15 triệu đồng nếu: ghi âm, ghi hình hoặc ghi hình có âm thanh hội đồng xét xử không được sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa; ghi âm, ghi hình hoặc ghi hình có âm thanh người tham gia tố tụng không được sự đồng ý của họ; ghi âm, ghi hình hoặc ghi hình có âm thanh phiên tòa và phát trực tiếp trên không gian mạng.
Mức xử phạt có thể lên tới 15 - 30 triệu đồng trong trường hợp nhà báo ghi âm, ghi hình hoặc ghi hình có âm thanh hội đồng xét xử không được sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa và phát trực tiếp trên không gian mạng; ghi âm, ghi hình hoặc ghi hình có âm thanh người tham gia tố tụng không được sự đồng ý của họ và phát trực tiếp trên không gian mạng.
Ngoài ra sẽ tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, buộc thu hồi, nộp lại tư liệu, tài liệu, hình ảnh, nộp lại số lợi bất hợp pháp...
Bên cạnh đó, dự thảo nêu phạt tiền từ 15 - 30 triệu đồng đối với nhà báo, luật sư, trợ giúp viên pháp lý đưa tin sai sự thật nhằm cản trở hoạt động tố tụng của Tòa án. Mức phạt này sẽ tăng lên 30 - 40 triệu đồng nếu những người trên đưa tin sai sự thật làm trì hoãn, kéo dài thời gian tiến hành hoạt động tố tụng của Tòa án.
Ngoài ra, theo dự thảo, người tham gia tố tụng lừa dối, đe dọa, mua chuộc hoặc sử dụng vũ lực nhằm ngăn cản người bị hại/người làm chứng tham gia tố tụng hoặc buộc người bị hại/người làm chứng khai báo gian dối sẽ bị phạt tiền từ 7 - 15 triệu đồng.
Nếu luật sư, trợ giúp viên pháp lý lừa dối, đe dọa, mua chuộc hoặc sử dụng vũ lực buộc người bị hại khai báo gian dối hoặc buộc người khác ra làm chứng gian dối thì mức phạt tiền sẽ từ 30 - 40 triệu đồng...
Cũng theo dự thảo, người tham gia tố tụng đe dọa, sử dụng vũ lực hoặc có hành vi khác xâm hại sức khỏe của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng sẽ bị phạt tiền từ 7 - 15 triệu đồng. Luật sư, trợ giúp viên pháp lý thực hiện hành vi trên, mức xử phạt từ 15 - 30 triệu đồng...
Phân định thẩm quyền
Ngoài ra, về phân định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng, Phó Chánh án Thường trực TANDTC cho biết, Luật Xử lý vi phạm hành chính không quy định về người có thẩm quyền xử phạt của VKSND, Cơ quan điều tra của VKSNDTC, VKSQS, Cơ quan điều tra của VKSQSTW và Cơ quan điều tra trong QĐND, vì vậy đã dẫn đến khó khăn, vướng mắc về việc xác định thẩm quyền xử phạt đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng của các cơ quan này.
Để khắc phục vướng mắc của thực tiễn, bảo đảm mọi hành vi cản trở hoạt động tố tụng phải được xử lý nghiêm minh, tiếp thu ý kiến góp ý của các cơ quan, bộ, ngành, dự thảo Pháp lệnh phân định thẩm quyền xử phạt cho người có thẩm quyền của CAND, TAND và TAQS xử phạt đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng khi VKSND, Cơ quan điều tra của VKSNDTC, VKSQS, Cơ quan điều tra của VKSQSTW và Cơ quan điều tra trong QĐND thực hiện nhiệm vụ trong hoạt động tố tụng.
Thảo luận tại phiên họp, trao đổi về ý kiến băn khoăn, tại sao hành vi cản trở trong lĩnh vực tư pháp lại xử phạt nặng hơn so với cùng một hành vi thông thường, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình lấy ví dụ, nếu đánh người gây thương tích bên ngoài là xử phạt bình thường, còn cán bộ Công an, Kiểm sát mà đánh người là quá nặng nên buộc phải xử nặng. Hay làm sai lệch hồ sơ vụ án, giấy tờ giả bên ngoài xử phạt khác, cán bộ Công an, Kiểm sát làm sai thì xử nặng hơn nhiều.
"Anh đưa tin sai lệch trên báo hay gây rối, hút thuốc tại tòa phạt bình thường, nhưng đưa tin sai lệch làm ảnh hưởng đến bản chất vụ án thì phải nặng hơn. Còn phạt quá nặng hay không thì pháp lệnh thiết kế đều nằm trong khung cả, và không vượt qua thẩm quyền luật giao", Chánh án TANDTC nói.
Chủ nhiệm UBQPAN Lê Tấn Tới băn khoăn, thi hành án cũng là một hoạt động của giai đoạn tố tụng, nếu như bị cản trở thì liệu có còn trong phạm vi điều chỉnh của pháp lệnh này nữa hay không, chưa thấy dự thảo pháp lệnh này đặt ra. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá, công tác thi hành án những năm gần đây có nhiều thuận lợi nhưng vẫn còn vướng mắc, khó khăn. "Sắp đến ngày cưỡng chế giải phóng mặt bằng thì lại có văn bản của cơ quan nọ, cơ quan kia đề nghị dừng lại để xem xét, tức là can thiệp trực tiếp về văn bản luôn, chứ chưa nói can thiệp giấu mặt. Vậy giai đoạn thi hành án có nằm trong phạm vi điều chỉnh của pháp lệnh hay không?", Chủ tịch Quốc hội lấy ví dụ.
Giải đáp ý kiến của Chủ tịch Quốc hội và Chủ nhiệm UBQPAN, Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Trí Tuệ cho biết, trong Luật Xử lý vi phạm hành chính đã quy định phần thi hành án dân sự giao cho Chính phủ tại 2 nghị định: Điều 64, Nghị định số 82 của xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thi hành án dân sự; Điều 27 Nghị định 71 của Chính phủ xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thi hành án hành chính.
Trường hợp chuyển hồ sơ sang Cơ quan điều tra, Điều 65 Luật Xử lý vi phạm hành chính đã quy định thời hạn 7 ngày. Nếu có dấu hiệu thì chuyển cơ quan Công an khởi tố hình sự, không có dấu hiệu thì trả lại cho cơ quan hành chính để xử lý vi phạm hành chính. Trường hợp các cơ quan không làm tròn trách nhiệm thì bị xử lý theo quy định cán bộ công chức vi phạm công vụ, hoặc thậm chí bị khởi tố.
Kết lại nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị Cơ quan soạn thảo phối hợp Cơ quan thẩm tra hoàn chỉnh pháp lệnh, trình UBTVQH thông qua và ban hành vào ngày 18/8 sắp tới.