Hãng Luật La Défense Việt Nam
Tel: (84-24) 8888 1118 | Email: office@ladefense.vn


Đổi mới và hoàn thiện cơ chế nhân dân tham gia hoạt động xét xử tại Tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp trong giai đoạn mới

PGS.TS. NGUYỄN HÒA BÌNH ( Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TANDTC) - Nhân dân tham gia vào hoạt động quản lý của nhà nước nói chung, hoạt động tư pháp nói riêng là đặc tính của các nhà nước dân chủ, tiến bộ. Ở nước ta, bản chất dân chủ trong tổ chức và hoạt động của tòa án không chỉ thể hiện ở việc các công chức tư pháp tận tụy, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, mà còn thể hiện ở việc huy động quần chúng nhân dân tham gia vào hoạt động xét xử, góp phần thực thi và bảo vệ công lý.

 

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách Tư pháp Trung ương cùng các đại biểu dự Hội nghị triển khai công tác Tòa án năm 2019 - Ảnh: TTXVN

Nếu nguyên tắc “Tòa án nhân dân xét xử công khai” là cơ chế bảo đảm sự kiểm soát có tính chất tổng thể, từ bên ngoài của toàn xã hội đối với hoạt động xét xử của tòa án, thì nguyên tắc “xét xử sơ thẩm của Tòa án nhân dân có hội thẩm tham gia” chính là cơ chế bảo đảm cho nhân dân kiểm tra trực tiếp, cụ thể và từ bên trong của hoạt động này. Tư tưởng xây dựng một nền tư pháp “lấy dân làm gốc” đã được khẳng định ngay từ bản Hiến pháp đầu tiên - Hiến pháp năm 1946 của Nhà nước ta: “Trong khi xử việc hình thì phải có phụ thẩm nhân dân để tham gia ý kiến nếu là việc tiểu hình, hoặc cùng quyết định với thẩm phán nếu là việc đại hình” (Điều thứ 65). Tiếp đó, tại Sắc lệnh số 33C/SL, ngày 13-9-1945, về việc thiết lập các tòa án quân sự của Chủ tịch Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cũng quy định: “Ngồi xử có Chánh án và hai hội thẩm. Ghế Chánh án và ghế hội thẩm sẽ do một ủy viên Quân sự và một ủy viên Chính trị ngồi. Còn ghế hội thẩm thứ nhì sẽ thuộc về ông thẩm phán chuyên môn của tư pháp. Ủy viên Quân sự và ủy viên Chính trị sẽ do quân đội và Ủy ban nhân dân ở địa phương cử ra”.

Kể từ đó cho đến nay, trải qua các lần sửa đổi Hiến pháp, nguyên tắc “xét xử sơ thẩm của tòa án nhân dân có hội thẩm tham gia” luôn được hiến định như một phương thức để nhân dân trực tiếp tham gia và giám sát hoạt động xét xử của tòa án. Qua đó thể hiện bản chất Nhà nước ta là “nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân...; do Nhân dân làm chủ; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân” (khoản 1, khoản 2, Điều 2, Hiến pháp năm 2013). Trải qua hơn 75 năm hình thành và phát triển, chế định hội thẩm không ngừng được đổi mới và hoàn thiện theo các quan điểm, chủ trương của Đảng về cải cách tư pháp. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về hội thẩm cơ bản đã được hoàn thiện; ngoài Hiến pháp, còn có 9 văn bản luật và dưới luật điều chỉnh các vấn đề liên quan đến chế định này(1). Chúng ta đã xây dựng được đội ngũ hội thẩm đông đảo, với 17.299 hội thẩm, trong đó có 16.913 hội thẩm nhân dân và 386 hội thẩm quân nhân. Hoạt động của hội thẩm ngày càng nền nếp, có kinh nghiệm và đóng góp cho việc nâng cao chất lượng xét xử của tòa án. Trong nhiệm kỳ 2016 - 2021, hội thẩm nhân dân đã tham gia xét xử sơ thẩm 998.257 vụ án; bình quân mỗi hội thẩm nhân dân tham gia xét xử 70,8 vụ án/nhiệm kỳ. Hội thẩm quân nhân đã tham gia xét xử sơ thẩm 672 vụ án; bình quân mỗi hội thẩm quân nhân tham gia xét xử 3,5 vụ án/nhiệm kỳ. Trong nhiệm kỳ, có 35 lượt hội thẩm có quan điểm không thống nhất với thẩm phán chủ tọa phiên tòa khi ra phán quyết; trong số này có 4 vụ án sau đó được tòa án cấp phúc thẩm ra phán quyết theo quan điểm của hội thẩm.

Bằng kinh nghiệm, hiểu biết và kiến thức của mình, hội thẩm mang đến phiên tòa những quan niệm đạo đức chung của xã hội, sự nhận xét, đánh giá của nhân dân về hành vi phạm tội, tính chất của các tranh chấp theo lẽ phải và công bằng... Sự tham gia của hội thẩm góp phần quan trọng vào việc xác định sự thật khách quan của vụ án, tăng thêm niềm tin cá nhân của thẩm phán vào việc đưa ra phán quyết giải quyết vụ án “thấu tình”, “đạt lý”, công bằng, khách quan, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của cá nhân, tổ chức, góp phần tạo sự đồng thuận trong xã hội. Bên cạnh đó, việc tham gia xét xử của hội thẩm còn làm cho các phiên tòa tranh tụng chất lượng hơn; thông qua phiên tòa người dân biết và hiểu được các quy định của pháp luật, quy tắc của cuộc sống, từ đó, có ý thức chấp hành pháp luật, tôn trọng quy tắc và đạo đức xã hội, nâng cao ý thức đấu tranh phòng, chống tội phạm và các vi phạm pháp luật khác. Tuy nhiên, hoạt động tư pháp thời gian qua cho thấy, các quy định của pháp luật hiện hành về cơ chế lựa chọn, vị trí, vai trò, thẩm quyền, tổ chức hoạt động của hội thẩm bộc lộ những hạn chế, bất cập nhất định, chưa theo kịp yêu cầu ngày càng cao của thực tiễn phát triển đất nước.

Trong bối cảnh đất nước đang hội nhập ngày càng sâu, rộng vào đời sống thế giới, yêu cầu về bảo vệ quyền con người, quyền công dân ngày càng được đề cao, thì việc xây dựng một nền tư pháp Việt Nam chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân là nhiệm vụ chính trị quan trọng được đặt ra trong Đại hội XIII của Đảng. Đây sẽ là một trong những mục tiêu quan trọng trong Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045. Để tiếp tục đẩy mạnh cải cách tư pháp theo tinh thần Nghị quyết số 49-NQ/TW, ngày 2-6-2005, của Bộ Chính trị, “Về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020”; các kết luận của Bộ Chính trị và Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đòi hỏi phải tiếp tục cải cách mạnh mẽ hơn nữa cơ chế nhân dân tham gia xét xử tại tòa án.

Đất nước ta đang hội nhập ngày càng sâu, rộng vào đời sống thế giới, việc xây dựng một nền tư pháp Việt Nam chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân là nhiệm vụ chính trị quan trọng được đặt ra trong Đại hội XIII của Đảng (Trong ảnh: Tòa án nhân dân tối cao tổ chức Hội nghị Hội đồng Chánh án các nước ASEAN lần thứ 8 theo hình thức trực tuyến, với sự tham gia của tòa án 10 nước thành viên ASEAN) -Ảnh: TTXVN

ĐĂNG KÝ TƯ VẤN

Chúng tôi sẽ liên hệ sau ít phút, xin cảm ơn!

XEM THÊM

HÀ NỘI

LK01-15 Roman Plaza, Tố Hữu, Nam Từ Liêm
Tel: (84-24)-8888-1118
Email: Office@ladefense.vn

 

CHÚNG TÔI TRÊN FACEBOOK


 
Bản quyền nội dung của Hãng Luật La Défense Việt Nam ®. Nghiêm cấm mọi hành vi sao chép, tái bản, sử dụng thông tin, tư liệu trong Website mà không có sự đồng ý bằng văn bản.