1. Khái niệm về Quyền Sở hữu trí tuệ
Theo khoản 1 Điều 4 Luật sở hữu trí tuệ 2005: “Quyền sở hữu trí tuệ là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tài sản trí tuệ, bao gồm quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp và quyền đối với giống cây trồng.”
Theo khoản 18 Điều 4 Luật doanh nghiệp 2020: “Góp vốn là việc góp tài sản để tạo thành vốn điều lệ của công ty, bao gồm góp vốn để thành lập công ty hoặc góp thêm vốn điều lệ của công ty đã được thành lập.”
2. Có góp vốn bằng quyền sở hữu trí tuệ được không?
Theo quy định tại Điều 34 Luật Doanh nghiệp 2020: “Tài sản góp vốn có thể là đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng, giá trị quyền sử dụng đất, giá trị quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ, bí quyết kỹ thuật, các tài sản khác có thể định giá được bằng đồng Việt Nam. Trong đó, quyền sở hữu trí tuệ được sử dụng để góp vốn bao gồm quyền tác giả, quyền liên quan đến quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng và các quyền sở hữu trí tuệ khác theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ. Chỉ cá nhân, tổ chức là chủ sở hữu hợp pháp đối với các quyền nói trên mới có quyền sử dụng các tài sản đó để góp vốn.”
Như vậy, quyền sở hữu trí tuệ có thể được dùng để góp vốn thành lập doanh nghiệp.
3. Các vấn đề cần lưu ý khi góp vốn bằng quyền sở hữu trí tuệ
Tài sản là quyền sở hữu trí tuệ chỉ được dùng để góp vốn khi đã đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền và đã được cấp văn bằng bảo hộ, chỉ chủ sở hữu (người đứng tên chủ sở hữu trên văn bằng bảo hộ) tài sản sở hữu trí tuệ đó mới có quyền sử dụng các tài sản đó để góp vốn vào doanh nghiệp. Tài sản là quyền sở hữu trí tuệ phải được các thành viên, các cổ đông sáng lập hoặc tổ chức thẩm định giá chuyên nghiệp định giá và được thể hiện thành đồng Việt Nam trước khi tiến hành góp vốn.
Việc xác định giá tài sản sở hữu trí tuệ dựa trên các phương pháp chủ yếu là chi phí, thu nhập và thặng dư. Tuy nhiên, việc định giá tài sản trí tuệ có nhiều khó khăn và khác biệt hơn so với tài sản hữu hình. Xác định giá trị của một quyền sở hữu trí tuệ phụ thuộc vào thời gian, địa điểm và tính sinh lời của loại tài sản đặc biệt này. Ngay khi đăng ký quyền sở hữu trí tuệ thì người sở hữu cũng không tính hết được tính hữu dụng và khả năng sinh lời trong tương lai của tài sản mà mình được sở hữu, nó chỉ được thể hiện giá trị qua thời gian và mức độ chấp nhận của xã hội.
Bên cạnh đó, để phòng tránh các rủi ro trong hợp đồng góp vốn, doanh nghiệp cần hoạch định việc góp vốn một cách chi tiết và khoa học. Một số điều khoản quan trọng mà các bên cần lưu tâm như điều khoản sử dụng nguồn vốn, quyền ưu tiên mua bán khi có nhà đầu tư mới, phần vốn góp để thể hiện rõ sự thỏa thuận về quyền và trách nhiệm của các bên và điều khoản bảo mật thông tin.