Ông Vương Đình Huệ cho rằng, các sửa đổi quy định tại dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm vẫn bảo vệ lợi ích người bán hơn là người mua.
Nhận xét này được Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu tại phiên thảo luận về dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, ngày 13/9.
Dự thảo sửa đổi Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi lần này bổ sung nhiều quy định về hợp đồng bảo hiểm (nội dung, hình thức hợp đồng); các trường hợp đơn phương, huỷ bỏ, chấm dứt hợp đồng và chuyển giao hợp đồng bảo hiểm.
Tuy nhiên, một số thành viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội góp ý rằng, nhiều quy định về hợp đồng bảo hiểm chưa thực sự bảo vệ quyền lợi người mua bảo hiểm.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu, Ban soạn thảo phải rà soát, tính toán để cân bằng lợi ích giữa người cung cấp và sử dụng dịch vụ, đảm bảo minh bạch, công khai. "Phải xem lại tính tương thích với hợp đồng dân sự, hài hoà lợi ích các bên", ông nhấn mạnh.
Trong khi đó, ông Nguyễn Phú Cường - Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính ngân sách lưu ý, quy định của luật về hợp đồng bảo hiểm phải bảo đảm chặt chẽ quyền lợi của khách hàng.
Ông Cường lấy ví dụ tại Đồng Nai, nơi ông từng công tác trước đây, xảy ra tình trạng tranh chấp phải ra tòa. Nhiều trường hợp bị từ chối chi trả bảo hiểm do một số câu chữ mà khi ký hợp đồng người tham gia không nhận thức hết. Vì vậy, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính ngân sách đề nghị cần bổ sung quy định về hợp đồng mẫu.
Thẩm tra dự thảo luật Kinh doanh bảo hiểm, ông Vũ Hồng Thanh - Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế cũng nhận xét, một số quy định về hợp đồng bảo hiểm chưa tương thích với các luật liên quan. Ông dẫn chứng, điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm quy định, doanh nghiệp bảo hiểm phải giải thích rõ và có bằng chứng xác nhận việc bên mua bảo hiểm đã được giải thích đầy đủ, hiểu rõ các nội dung khi ký kết hợp đồng.
Quy định "phải giải thích rõ và có bằng chứng xác nhận...", theo ông Thanh là chưa hợp lý, không khả thi và gây khó cho cả doanh nghiệp bảo hiểm và người mua bảo hiểm, nhất là các hình thức bán bảo hiểm trực tuyến, các sản phẩm bảo hiểm đơn giản như bảo hiểm tai nạn, sức khỏe, du lịch, xe máy...
Hay dự thảo luật nêu "tại thời điểm giao kết hợp đồng, đối tượng bảo hiểm không tồn tại" là một trong các trường hợp hợp đồng bảo hiểm vô hiệu. Quy định này chưa hợp lý, vì tài sản hình thành trong tương lai (nhà ở) cũng có thể được bảo hiểm, tại thời điểm giao kết hợp đồng, nhà ở tương lai chưa tồn tại. "Do đó, cần nghiên cứu điều chỉnh lại, bảo đảm rõ ràng và phù hợp khi xác định các trường hợp hợp đồng vô hiệu", ông Thanh đề nghị.
Trước những điểm còn "vênh" của dự thảo luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi với các luật khác, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý, tư duy khi sửa luật này cần tạo ra cú hích cho thị trường phát triển hơn, chứ không phải chỉ sửa một vài chỗ vướng mắc. "Tư duy kiến tạo là phải xem xét thị trường kinh doanh bảo hiểm trong mối tương quan với thị trường chứng khoán và các thị trường khác", ông Huệ nhấn mạnh.
Giải trình trước Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, cơ quan này sẽ tiếp thu các ý kiến góp ý của thành viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về hợp đồng bảo hiểm theo hướng bảo vệ quyền lợi của người tham gia bảo hiểm, doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm. "Các quy định về hợp đồng sẽ chặt chẽ, không gây khó khăn, thiệt thòi cho người tham gia bảo hiểm", ông nhấn mạnh.
Theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, sau 20 năm thực thi, Luật kinh doanh bảo hiểm đã bộc lộ nhiều bất cập. Ở lần sửa đổi này, dự thảo mở rộng đối tượng nhà đầu tư nước ngoài được phép kinh doanh bảo hiểm ở Việt Nam; đơn giản các thủ tục cấp giấy phép thành lập doanh nghiệp bảo hiểm mới; hay cho phép doanh nghiệp bảo hiểm cung cấp sản phẩm thuộc lĩnh vực bảo hiểm khác.
Theo kế hoạch, dự án luật này được Quốc hội xem xét tại kỳ họp thứ hai dự kiến vào cuối tháng 10 tới.